Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

truyện ngắn - Nhân cách





Nhân cách



Hai Nghĩa đang ở trần thả mình đong đưa trên chiếc võng dù. Lòng chàng đang hướng về đồng đội, anh em trên đó có chịu nổi cái nắng gay gắt này không ? Nắng như đổ lửa, vùng cao nguyên quanh năm gió lộng ít khi bị cái nắng thiêu đốt như hôm nay. Cái nắng cứ hun hút bất chấp những đợt gió hạ Lào. Cao nguyên mùa này ít mưa, những con đường đất đỏ tung bụi mờ...Thỉnh thoảng một chiếc xe nhà binh chạy ngang qua thả làn khói đen xì, xồng xộc vào mũi Nghĩa. Nghĩa thường gọi đùa - khói thơm từ địa ngục - có cuộc chiến nào lại không mang bóng dáng của tử thần. Gương mặt còn trẻ măng đã được gắn lon trung úy, dù Nghĩa không đẹp trai lắm vẫn là mẫu mực cho những mơ ước thầm kín của đàn bà con gái chốn này. Vậy mà trái tim sôi nổi kia chưa một lần thổn thức đập nhịp yêu.

Út Son ở đâu chạy xồng xộc về kéo giựt tay Nghĩa :
- Hai ơi ! Mau cứu con Đào đi Hai.
- Lại cái trò khỉ gì nữa ta ? Út không lo ôn bài đi, lộn xộn ! Sắp thi cử tới nơi rồi, Út mà trượt kỳ này Hai xúi má đem gã cho sớm...
- Em nói thiệt mà Hai, Hai mà không cứu kịp bà bác đánh chết con Đào bi giờ !
- Nó đoảng lắm ! Cứ để má nó dạy, con nít biết gì mà xía. Mà nhỏ nè, chiều nay không được quên món rau lang luộc chấm mắm nêm của anh đâu nhe !
- Biết rồi mà... à... ngày nào cũng từng đó, Hai chưa ngán hay sao ? Nuôi Hai kiểu này cuối tháng Út lại dư tiền...hihi...thêm chiếc áo dài mới á nghen ! Mà Hai không được nhiều chuyện với má đó.
- Ừ, ngoan ! Lĩnh lương Hai cho thêm chút nữa...tha hồ diện hén ! Miễn Út thi đậu ha ? Tụi bạn anh si cô Út lắm đó...
- Xí ...! Ai thèm ? Bạn Hai già chát...hehehe...cũng tại Hai hết đó, nên con trai bà bán mắm cứ trêu ghẹo người ta...
- A ha ! Nghĩa là sẽ được ăn mắm ...suốt đời...sao ta ?
Út Son lững thững đi vô nhà trong...đôi gò má hây hồng thèn thẹn. Được một lát Út lại trở ra... ỉ ôi tiếp.
- Năn nỉ Hai nè, Hai cứu con Đào giùm đi không thôi nó chết mất. Tội nghiệp nó mồ côi mồ cút Hai nờ...
- Sao bà bác lại đánh nó ? Vì chuyện gì ?
- Thì Hai cứ qua bển đi...thì biết...iết !

Chiều cô em để bữa chiều không thiếu mắm nêm rau luộc. Nghĩa xỏ chân vào đôi dép, rút chiếc sơ mi máng trên gạc nai khoác vào mình bương bã đi ra cửa còn ngoái lại dặn dò.
- Sợ mi luôn đó Út, thôi lo bữa chiều đi !

Nghĩa vừa bước vào sân đã thấy lũ trẻ bu quanh. Con Đào quỳ dưới đất quần áo rách bươm, trơ những lằn roi, tóc tai rủ rượi bàu nhàu. Nó khóc, nó gào, nó rên rỉ... Cả đời Nghĩa sợ nhứt cảnh đàn bà con gái khóc lóc.

Bà bác họ cầm một cây roi mây dài quất tới tấp trên người con Đào. Nó vốn đẹt dí lại khờ câm không biết xin xỏ chỉ biết rên rỉ ai oán...
- Đau ! Đau quá mạ ơi, con muốn chết, con muốn chết tức thời !
- Mi không khai thằng mô thì tau cho mi chết. Mạ đánh chết còn hơn chết đường chết chợ con ơi ! Đồ con bất hiếu, sao tau lại đi nhặt cái thứ mèo mả gà đồng về nuôi ? Huhuhu...khổ thân tui ri trời ơi ...là trời ! Bà vừa đánh con vừa đau mình vật vả.

Vừa nhìn thấy Hai Nghĩa con Đào ngưng kêu than, đôi mắt của nó xoáy vào Hai Nghĩa van nài. Gương mắt nó xanh xao tiều tụy lại bầm dập đòn roi trông thảm quá chừng. Bà bác không nhìn thấy Nghĩa cứ tiếp tục hạ roi. Đám con nít bu quanh cười nắc nẻ, có đứa còn giả giọng kêu gào của con Đào khiến cả bọn ôm bụng thi nhau cười.

- Mi khai ...khai ra mau, cái đồ nghiệt chủng, cái đồ chằn ăn trăn quấn ! Huhuhu...tau già lắm rồi còn khổ đường con cái, cái đồ loạn thần phản nghịch...
Cả thân hình bà bác cứ ngả nghiêng theo những lằn roi mà cánh tay già nua vừa hạ xuống nâng lên.
Mắt con Đào cứ nhắm vào tim Nghĩa mà xoáy...mà nài...
Nghĩa thấy lòng dạ bức rứt khó chịu quá, muốn trở gót lui cho xong để khỏi bị ánh mắt của con Đào trù quyến...Vậy mà chẳng hiểu sao đôi chân cứ nặng trình trịch trở gót không đoạn...

Nghĩa nhớ lại một đêm mưa gió 10 năm về trước...

Nghĩa đang ngồi ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi bỗng nghe tiếng bà bác la thất thanh trong đêm. Nghĩa lật đật chạy qua thấy con Đào lên cơn động kinh giãy đành đạch trên nền xi măng như con cá mắc cạn. Nghĩa lấy một cái muỗng lớn nhét vào miệng nó, rồi một tay giữ cái muỗng , tay kia bế thốc nó chạy một mạch tới bệnh viện tỉnh.

Con Đào bị đậu mùa hành lên cơn sốt cao rồi trở chứng giựt kinh phong. Nếu Nghĩa không lẹ chân cứu con Đào đêm đó nó chắc đâu rơi vào cảnh tình hôm nay. Từ nhỏ nó đã bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi, được một người đàn bà góa chồng nhặt về nuôi. Bà bác chỉ biết thương con mà không biết chăm sóc nó tử tế. Đào lớn lên èo uột như cây lúa bủng úng hư hao. Nó đã 18 mà như trẻ 13, cả xóm ai cũng gọi nó là Đào khờ, đào ngố. Ai mà ngờ câu chuyện ngày hôm nay...

Làm như đã thấm mệt bà bác buông roi khóc huhu. Bà cứ dập đầu xuống nền nhà mà khóc thảm. Tiếng khóc cứ như những đợt sóng dập từng hồi vào lòng Hai Nghĩa. Sóng nhỏ rồi sóng to.
- Mi không chết thì để mạ chết Đào ơi ! Mi hư thân mất nết tại mạ không biết dạy, mạ phải chết thay cho mi...
Trán bà bác đã tươm vài vệt máu.
Con Đào lết tấm thân tàn tạ tới bên mạ nó.
- Mạ ơi đừng, Đào muốn chết, để Đào chết cho rùi khỏi làm khổ mạ.
Rồi cả hai mạ con họ thay nhau dập đầu vô tội vạ...

Vòng tròn hiếu kỳ nở rộng ra, con nít vòng trong người lớn vòng ngoài. Cả xóm như rủ cả về đây, lời ra tiếng vào...lao xao.
- Cái đồ mẹ góa con côi tưởng chẳng ma nào rớ tới...Hứ !
- Xì...! Chuyện thường ngày ở huyện, làm gì ầm ỉ dử... ử ?
Có cả tiếng đàn ông xen vào.
- Đồ con khùng mà cũng bày đặt !
- Hehehe...con khùng chửa hoang ...con khùng móng chuồn nè...hihihi...
- Im hết đi ! Mọi người làm ơn tránh ra.
Nghĩa dõng dạc lên tiếng khiến đám đông im bặt. Đám đông giãn ra một chút chỉ còn tiếng lũ trẻ cười ngây ngô...
- Con Đào cũng móng chuồn nữa tui bay ơi !

Bà bác lại đứng dậy chụp cái roi quất xuống đầu con Đào tới tấp. Chẳng biết bà lấy sức mạnh từ đâu ra mà tiếng roi rớt cứ nghe vun vút. Da thịt con Đào toé máu thành từng vệt dài. Nghĩa nhào tới giựt lấy cái roi trên tay bà bác.
Bà ương ngạnh hung hăng.
- Tui dạy con tui không được thì cứ để tui giết nó. Cậu làm ơn tránh ra !
- Bác muốn giết nó lắm phải không ? Thì cứ lụi cho nó một dao chí mạng. Bác đừng hành hạ mình như thế.
Đào được nước kêu xin.
- Cứu em , Hai ơi ! Cứu con... Đào với.
- Hahaha...Hihihi...Hehehe...
Bọn trẻ được một trận cười thỏa thích.
- A ha ! Anh hùng cứu con khùng đi ! Cứu đi...cứu !
- Bác bình tĩnh đi chuyện đâu còn nguyên đó. Bức xúc quá chẳng giải quyết được chuyện gì, vào trong nhà đã bác.
- Vào răng được mà vào ? Mặt mũi nào mà nhìn ôn mệ tổ tiên ? Thôi thì con dại cái mang, cậu cứ để mạ con tui được chết, chẳng phải ô uế xóm làng.
- Bác già rồi còn chịu được mấy ? Để con Đào vô nhà tắm rửa đi nha ?

Đào bò lê vào nhà ngay tắp lự, nhưng chỉ vài bước chân lại ngã chỏng lăn quay. Chẳng còn sức mà bò nữa, Đào nằm kềnh ra đó mà rên hư hử.

Bọn con nít nhặt đá chọi tới tấp vào người Đào...
- Chọi chết ả Đào nằm vạ kìa...cho chết...chết đi !
Thấy Đào bị trúng đá, bà bác nhào tới nằm đè lên người nó chở che. Cả miểng dừa khô chọi vào đầu bà, bà cứ trân mình chịu trận.
Tiếng chân người chạy rầm rập đến mỗi lúc một đông. Xóm nhỏ vốn yên tĩnh chẳng ai muốn bỏ lỡ cơ hội coi tuồng.
- Mạ cứ để mặc Đào chết, mạ ơi !
- Mạ chết theo con, sanh mần răng cục oan gia nớ, rùi lấy chi nuôi ?
- Tôi nuôi ! Nghĩa thấy mình lên tiếng mà phát hoảng.
Đám đông ngưng ném . Hai mạ con khốn khổ ngồi dậy giương mắt nhìn Nghĩa ngơ ngác.
- Á à...Ra đứa bé là con ông sĩ quan hỉ ?
Con nít lại cười rộ lên, một vài bà thím sụt sùi lau nước mắt. Nghĩa lấy hết can đảm quay qua đám đông.
- Tôi sẽ nuôi đứa bé, nó là con tôi. Sẽ mang họ tôi, mọi người làm ơn giải tán !

Đám đông ngoan ngoãn giải tán từ từ... Chỉ còn tiếng trẻ cười lác đác...
- Xê ! Tưởng gì, sĩ quan cũng biết ăn vụng...
Nghĩa mặc kệ người ta nói gì, bế con Đào vô nhà đặt nó nằm trên phản...rồi lẳng lặng ra về.
Từ đó mỗi tháng trích lương của mình đưa cho bà bác.

Con Đào ngày càng phổng phao, chiếc bụng càng lớn nó lại càng trổ mã. Cứ thoáng thấy bóng Hai Nghĩa là nó chạy tuốt qua bên nhà, ngồi yên lặng một xó chờ Hai Nghĩa sai vặt. Dạo này nó còn biết chải chuốt tinh tươm ra dáng con gái. Hai Nghĩa thì cứ lo trốn nó mãi, bao nhiêu lần nhờ con Út đuổi về mà nó ngồi lì ra đó. Trời lạnh nó đi pha trà gừng. Trời nóng nó quậy đá chanh. Mỗi ngày nó vào phòng Hai Nghĩa dọn dẹp ngăn nắp. Tuần nào không thấy bóng Hai Nghĩa về nó cũng biết đi ra đi vô ngóng trông.

Dần dà Hai Nghĩa ở luôn trong doanh trại không dám về nhà nữa. Ba má nhớ con lại phải lặn lội đi thăm. Chỉ có Út Son là phây phây không bị ông anh khó tính kềm cặp. Không phải cất công đi tận chợ xóm nhỏ mua mắm nêm cho anh, không phải lặt rau lang nên khỏi bị đen mấy đầu móng tay xinh đẹp.

Phố chẳng còn cô nào mơ màng đến Hai Nghĩa nữa !

Em út cũng hết nể mặt ông chỉ huy, Nghĩa đã mất đi sự hiên ngang ngày nào không dám ra quán nhậu với lính. Nghĩa cũng tránh xa vũ trường hộp đêm vì không muốn mình trở thành đề tài cho người ta đàm tiếu.

Ngày con Đào chuyển bụng, nó bày đặt làm nư khóc lóc đòi Hai Nghĩa về...nó mới chịu...sanh. Nghĩa giữ đúng lời hứa cho đứa bé mang họ mình. Con Tẹp cũng xấu xí như mẹ nó, bà bác nghĩ rằng cái tên vô duyên như vậy sẽ tránh cho nó những phiền toái về sau.

Con Tẹp tuy xấu lại là đứa bé khoẻ mạnh, lớn nhanh, trí khôn bình thường.

Không có cách chi lấy vợ tỉnh nhà, Hai Nghĩa hỏi cưới một cô thôn nữ tận trên đồn lũy xa. Vợ Hai Nghĩa phúc hậu thiệt thà hết mực kính nể chồng. Hai vợ chồng mặn mà sanh con năm một. Mỗi lần vợ Hai Nghĩa sanh thì mụ Đào lại khăn gói lên đường chăm nuôi đẻ.

***

Năm con Tẹp 16 tuổi không biết nghe ai mách bảo mà nó lặn lội tìm lên khu kinh tế mới tìm cha. Rồi vào tận rừng sâu, gặp Hai Nghĩa đang chặt củi đốt than cả người lem luốc, nó cứ nhào tới ôm ghì lấy cha làm Hai Nghĩa sượng trân.

- Cha ơi ! Sao cha không gần gũi con ? Có phải tại vì con xấu xí không được như các em kia. Cha cho con ở lại đây phụ việc với cha nhé ! Con không về phố nữa đâu, con nhớ cha lắm.
- Lúc nào nhớ lên thăm cha rồi về với mẹ. Con phải ráng học thì mới mong thoát cảnh lầm than. Các em ở đây thiệt thòi hơn con điều kiện học hành. Con gái đã lớn, biết ngoan cha thương. Bán xong vụ than này, cha sẽ cho hai mẹ con chút vốn ra chợ học mua bán với người ta.
- Tẹp thích ở rẫy với cha hơn, thích được đỡ đần cha. Mẹ không biết mua bán đâu, sẽ làm cụt vốn. Mẹ già yếu lắm rồi, Tẹp sợ người ngoài chợ miệng mồm độc ác, cha ơi cha !

Hai Nghĩa bẻ bắp nướng cho con ăn đỡ lòng, rồi dẫn nó ra lộ đón xe bộ đội gởi nó về phố. Hai Nghĩa nghẹn ngào nhìn theo cái tướng thất thểu của nó lủi thủi trèo lên xe tay còn gạt nước mắt.

***

Hai năm sau, Hai Nghĩa chết trong lúc đang làm rẫy, chẳng ai biết vì sao.

Mụ Đào và con Tẹp dắt díu nhau lên khu kinh tế mới để tang Hai Nghĩa. Trong lúc mọi người đang làm lễ chuẩn bị hạ huyệt, đột nhiên mụ Đào cào xé quần áo mình rồi dập đầu vào cỗ quan tài.
- Anh Hai ơi tui thiệt đắc tội. Nhưng tui không muốn anh Hai đem theo bí mật xuống mồ.
Rồi mụ chạy lại trước mặt vợ Hai Nghĩa dập đầu xuống đất mà lạy.
- Em cắn răn cắn cỏ lạy chị ! Anh ấy không phải ba con Tẹp mô ! Không phải...

Chẳng có ai buồn trả lời mụ. Họ cứ lặng lẽ thả chiếc quan tài từ từ xuống huyệt...Vợ Hai Nghĩa và bầy con cứ đứng trơ mắt nhìn. Vợ Hai Nghĩa chưa hề lên tiếng nói một câu nào, kể từ lúc đứa con trai lớn hớt hải chạy về nhà báo tin Hai Nghĩa gục ngã... Chị cứ âm thầm lặng lẽ để mặc cho bà con chòm xóm muốn làm gì thì làm, các con cứ răm rắp làm theo các chú bác.

Bỗng dưng có tiếng sét nổ lớn từ thinh không. Trời kéo mây u ám, mụ Đào vẫn tiếp tục xé nát quần áo...xé cho đến manh vải cuối cùng...lộ ra tấm thân gầy tóp nhăn nheo...

- Tôi chẳng xứng đáng để nhận ơn mưa móc từ anh Hai. Bao nhiêu năm nay dù cực khổ cách mấy, anh vẫn nhín tiền cho mẹ con tôi.
Trời ơi răng lời tôi nói không có ai tin vậy ? Hai Nghĩa không phải ba con Tẹp ! Không phải đâu mờ...
- Mẹ ! Mẹ điên rồi ! Đừng ai tin lời mẹ tôi. Mẹ tôi hóa điên thật rồi. Xin cứu mẹ tôi...với !

Chẳng có ai lên tiếng, mưa bắt đầu nặng hạt - lộp bộp rơi !

Mưa phố núi 18-11-2012