Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

thơ - Níu tình trăm năm

 
 
 
Níu tình trăm năm
Mỗi sáng mai thức dậy, nhìn thấy anh bên mình.
Biết vẫn còn tồn tại, lẩn quẩn chuyện mưu sinh .
Lỡ mai không còn nữa, héo hắt tia nắng vòng.
Hồn em tan theo cỏ, giọt sương tình long đong.

Mỗi ngày thêm ưu ái , nhận ân huệ trời ban.
Hạnh phúc phà hơi thở, còn mênh mông địa đàng.
Nếu ngày mai đi vắng ? Cụm tóc dỗi ưu phiền.
Trói tình anh lận đận, níu lấy bờ muôn niên .

Chữ yêu tìm chính hướng
tình không trao giữa dòng
Khát vọng xanh hoá đỏ
dẫu mỏi mòn trăm năm .

Bên kia bờ ảo vọng, thuyền khất nẻo gian truân.
Bên em hồn biển động, thăm thẳm sâu vô cùng .
Gởi tình em khúc hát, trọn bến bờ yêu thương.
Đam mê quyện khao khát. Tình loang - loang mịt mùng !

Một đời em hoài vọng ,
ân tình chỉ trao anh.
Một thời xanh nhủ mộng.
Đại dương, khát ! Muôn trùng .

Mưa phố núi 27042013 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

truyện vừa - NHỮNG CON DIỀU NGŨ SẮC




NHỮNG CON DIỀU NGŨ SẮC


Ba mất khi tôi lên 4. Ba tôi tốt nghiệp trường sỹ quan Thủ Đức, ông mất năm 1971 trong một trận càn lớn ở Phú Bổn, trong lúc đang chờ để lên chức trung úy. Mẹ tôi rất nhan sắc. Gia đình ông bà ngoại thuộc hàng khá giả tại thị xã Pleiku lúc đó. Ba tôi chưa bao giờ được nhìn thấy mặt đứa em trai vừa chào đời được 4 tháng của tôi. Em tôi rất kỳ quặc, vừa sanh ra thì em đã khóc cả ngày lẫn đêm. Ông bà cho đó là điềm gỡ.

Mẹ tôi chán cảnh làm dâu, nên ba mẹ con về ở với gia đình ông bà Ngoại.
Tôi có 5 ông cậu còn ở với ông bà ngoại. Hai cậu lớn đã là sỹ quan. Một cậu giữa mở lò dạy võ, hai cậu nhỏ còn đi học. Các cậu thương hai chị em tôi lắm nhưng cũng rất nghiêm khắc. Hai chị em tôi như hai con thỏ con lớn lên trong êm đềm lặng lẽ, trong vòng tay ấm áp của đại gia đình ông bà ngoại.

Bà ngoại có tất cả 12 người con, 2 cậu và 2 dì lớn đã có gia thất riêng với đông đảo con cái. Vào những ngày lễ hay tết nhà ông bà lại tấp nập như hội hè. Phải chi tuổi thơ của chúng tôi cứ êm đềm như thế !

Khi tôi 7 tuổi mẹ lại đi bước nữa, với một ông sỹ quan đã có vợ và 7 đứa con riêng. Ông bà tôi rất giận tìm mọi cách ngăn cản mà không được. Ông bà rất xót xa, nuốt nước mắt nhìn 2 chị em tôi theo mẹ ra ở riêng. Mẹ mua lại một ngôi nhà nhỏ trong cư xá sỹ quan. Lúc đó mẹ tôi có sạp bán quần áo ở chợ, mẹ giỏi buôn bán nên rất khá. Mẹ còn có tiền cô nhi quả phụ. Ba dượng tôi chỉ như một người khách.

Ngôi nhà của chúng tôi xinh xắn lắm ! Mẹ trang trí nhà mình theo lối mới khiến chị em tôi rất vui.Tôi còn nhớ tên con đường trước nhà là Cô Giang. Một trong những con đường đẹp nhất. Đầu đường là chợ mới, cuối đường là nhà thờ Đức An. Con đường càng đẹp hơn vào thứ bảy và chủ nhật, khi mọi người đi lễ nhà thờ. Hình như cả tỉnh chỉ có vài ba nhà thờ, mỗi ngôi nhà thờ đều đẹp theo một phong cách riêng. Nhà thờ Đức An nằm ở trung tâm gần chợ nên mọi người đổ về đây rất đông.Tôi chỉ việc bắt một cái ghế nhỏ ra ngồi trước hiên nhà là tha hồ mà ngắm người ta ăn diện. Đàn bà con gái tha thướt trong các tà áo dài đủ màu như một đàn bướm trải dài khắp con đường. Đàn ông thì đóng veston hoặc sơ mi với cà vạt rất trịnh trọng. Đặc biệt phía quân đội mặc quân phục ủi hồ bóng loáng, những đôi giày họ đi thường bóng như gương.


"Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống ,may mà có em đời còn dễ thương !"

Sao tôi cứ có cảm giác ông nhạc sĩ đó, đã viết bài hát này khi đi qua con đường trước nhà tôi. Hay tại trong ký ức tôi con đường này đẹp nhất?

"Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông.
Nên tóc em ướt và mắt em ướt, nên em mềm như mây chiều trong."

***

Tôi không chắc mắt tôi có ướt hay không? Nhưng tôi biết tôi là con bé 7 tuổi mơ mộng nhất trần đời. (Đó là chị vú tôi nói vậy !) Chị Lê thị Tư, một cái tên rất đơn giản, đôn hậu như chính con người chị. Chị Tư 14 tuổi mà chưa bao giờ biết đọc biết viết. Nhưng chị thích nghe tiểu thuyết và truyện tranh cực kỳ. Đó là một thế giới mà chị chưa bao giờ biết tới.Từ khi dọn vào cư xá sỹ quan, mẹ cho 2 chị em tôi ngủ chung với chị Tư. Nhà còn một phòng nữa dành cho 2 chị em tôi, nhưng vì sợ ma chị em tôi cứ rút qua phòng chị Tư ngủ.Tối nào tôi cũng đọc truyện cho chị Tư và em tôi nghe ! Chị cưng tôi như trứng mỏng, tôi chính là những trang tiểu thuyết diễm tình, những câu chuyện thần thoại nàng công chúa Bạch Tuyết với 7 chú lùn...vv.
Chắc giọng đọc của tôi cũng có gì đó đặc biệt nên em tôi rất ghiền. Đã bảo em tôi kỳ quặc mà, em không cần một lời ru nào cả. Tôi đọc tới trang thứ hai hay ba thì cu đã ngủ lăn quay. Tội nghiệp chị Tư tôi, chị khóc thút thít lúc anh Điệp đến chùa tìm thăm chú tiểu Lan, nhưng bị chú tiểu cắt đứt giây chuông. Chị khóc lớn đến nổi mẹ tôi bên phòng kia nghe được phải chạy qua xem thử chuyện gì ? Khi vỡ lẻ mẹ bắt chị em tôi tắt đèn đi ngủ.
Tôi còn nghe mẹ lẩm bẩm : " tụi này khùng quá hà ". Ừ thì tắt đèn điện để mẹ khỏi rầy, chị em tôi còn đèn dầu mà ! Chị Tư có một trí nhớ rất kỳ lạ. Có lúc tôi buồn ngủ quá, đèn dầu lờ mờ đọc chữ nọ xọ chữ kia, chị nhắc :
-Không phải, hôm qua em đọc khác mà ! Đọc lại đi, bắt đầu từ chỗ...
Sáng hôm sau vô lớp mà cứ ngủ gà ngủ gật bị các sơ đánh.
Hồi đó mẹ gởi tôi học trường tư thục thánh Phao Lồ, học phí rất đắc nhưng các sơ chăm sóc học trò như con cái.Tôi học bán trú, nghĩa là vào trường từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Trong các sơ có sơ Đức thương tôi nhất. Sơ gốc người Quảng Trị, giọng Huế của sơ rất lạ, hơi cứng hơi lờ lợ chứ không mềm mại đặc chất Huế như các sơ khác. Nhưng đặc biệt mỗi khi sơ đọc chính tả thì tôi viết đúng đến 100%. Dù thương tôi nhất nhưng sơ rất nghiêm khắc, sơ để ý tôi từng lời ăn tiếng nói. Sơ bảo con gái quan trọng nhất không phải nhan sắc, mà là nết ăn nết ở. Lúc nào sơ cũng có sẵn cây thước trong tay. Tôi mà sơ hở là sơ quất tới tấp. Sơ chỉ quất gió thôi ít khi trúng người, dù vậy tôi vẫn rất hãi. Trưa nào sơ cũng bắt tôi đọc kinh thánh, đó là cái mà tôi còn sợ hơn những ngọn roi. Nhưng tôi đâu dám cãi, lúc nào tôi cũng tin là sơ có lý. Mẹ tôi rất hay trò chuyện với sơ, đôi lúc tôi có cảm giác sơ còn gần tôi hơn mẹ. Gần gũi sơ riết tôi đâm ghiền cái " bên ni bên nớ " của sơ, đến nổi mang nó về nhà làm mẹ và chị Tư cười lăn. Hồi đó tôi cũng đã biết nghịch ngợm. Một buổi trưa sơ bắt chí cho tôi.Tôi hỏi sơ :

-Hôm nay con không muốn đọc kinh thánh đâu ! Con đọc cho sơ nghe thứ khác hay hơn.
Sơ tròn mắt hỏi.
-Mi muốn đọc cái chi?
Tôi lôi ra một bài thơ cắt từ sách báo nào đó đọc nhái theo giọng sơ :

nì o tê răng o còn đựng đỏ
lớp o tan buổi học trưa về
sảng vàng thu trời mưa nho nhỏ
chờ ai mô răng o nớ chưa về?

Ui chao ! Sơ rượt theo tôi chạy vòng vòng trong sân trường mà đập. " Đập chết mi chừ ! Mới nứt mắt ra đã thơ với thẩn ".
Lần này sơ chỉ đập yêu bằng tay sơ thôi, nhẹ hiều à ! Không đau. Báo hại bữa đó sơ Đức bị sơ cả quở phạt. Đó là lần duy nhất tôi thấy sơ cười tự do thoải mái, như chính bản thân tôi.

Hồi đó tôi có tật rất xấu là cứ hay ngậm ngón tay cái trong miệng. Mẹ và các cậu đánh mấy cũng không chừa. Khi tôi 8 tuổi ngón tay cái đã mập thù lù như một cây cà rem. Một lần đang trong giờ học, bị sơ Đức bắt gặp sơ dùng một cây thước bản lớn đập túi bụi lên bàn học của tôi.Tôi không đau nhưng quá sợ nên tè cả ra quần. Cả lớp xúm lại cười nghiêng ngã. Còn sơ lại ôm chầm lấy tôi, dở cười dở khóc...
Từ đó sơ không bao giờ dùng thước đe tôi nữa, chỉ dùng ngón tay của sơ dí vào trán tôi

-Đập chết con ranh mi chừ ! Đập...chế...ết...Sơ nghiến răng 2 chữ cuối đủ hãi tôi rồi.

Lâu dần với tôi, đó cũng là một lời kinh thánh.

Sau tháng tư 1975 ,nhà nước lấy trường rồi rào lại một khu riêng cho các sơ ở. Các sơ phải sản xuất, trồng rau, nuôi heo, làm rẫy. Cả ngôi nhà thờ lớn phía sau cũng đóng cửa các ngày trong tuần, chỉ được mở cửa một ngày chủ nhật. Không đủ sống các sơ phải làm thêm việc giữ nít nhỏ. Nhưng tuyệt nhiên không được dạy chúng học. Các sơ sống rất khổ sở, có người không chịu nổi phải trở về quê. Sơ Đức vẫn ở lại đó thêm 2 năm nữa, sơ đan rổ rá, may vá thêu thùa. Đó là thời gian tôi được gần gũi sơ nhất. Mẹ tôi có thêm 2 em nữa, chị Tư bận rộn cả ngày lẫn đêm. Ba dượng tôi đi ở tù, mẹ tôi như một chiếc bóng dật dờ. Mẹ vẫn bươn chải ngoài chợ. Dường như thời cuộc không ảnh hưởng mấy đến thu nhập của mẹ. Mẹ không được ăn diện như trước, rất dè dặt. Dù vậy vẫn rất đài các. Mẹ tôi ít khi gội đầu ở nhà, lúc nào cũng ra tiệm, móng tay móng chân chăm sóc rất cẩn thận. Mặc dù đã bốn con mẹ tôi vẫn làm nhức mắt rất nhiều người đàn ông. Đặc biệt là các chú công an, bộ đội. Lúc này bà ngoại theo canh mẹ rất kỷ, sợ mẹ tôi lạc lòng, lại đi bước nữa.

Chiều nào tôi cũng tới với sơ Đức, sơ dạy tôi may vá thêu thùa, kể cả đan rổ rá. Nhìn những ngón tay nhỏ xíu của tôi tướm máu, sơ rất thương. Sơ biểu học được cái gì thì học, có lúc sẽ hữu ích. Sơ còn nói tôi có mả tiểu thư, sợ sẽ long đong cho coi. Sơ rất khéo tay và tỉ mỉ, những bức tranh sơ thêu rất sống động. Dù rất thiếu thốn, lúc nào sơ cũng có cái gì đó để đãi tôi. Tôi thích nhất là món khoai lang nướng, sau này tôi đã ăn khoai lang nướng khắp nơi. Nhưng chẳng có ai làm cho món khoai lang trở nên khoái khẩu như sơ được. Sơ không nướng trên bếp lò mà vùi trong tro bếp.

Khi tôi 10 tuổi đã biết thêu những chiếc khăn tay nho nhỏ xinh xinh. Có lần tôi thắc mắc hỏi sơ

-Chỉ là khăn tay thôi sao phải cầu kỳ quá hả sơ?

Sơ trả lời

-Khăn tay của mỗi người như ký hiệu riêng của người đó. Chỉ cần nhìn vào có thể biết ít nhiều về họ.

Sau này, xem phim Tàu, tôi còn biết khăn tay như một món trang sức cho quý cô quý bà.

Khăn tay của sơ bán rất chạy. Mẹ tôi cung cấp vải cho sơ và giúp sơ phân phối khăn tay. Các sơ còn đan thêm khăn choàng cổ...vv. Vậy mà vẫn không đủ sống. Dòng tu đó phải giải tán. Một chiều sơ đến chào mẹ con tôi để về quê, không mặc sắc phục nữ tu trông sơ khác hẳn.Tôi thấy hình như sơ rất đẹp, đẹp não nùng ! Tóc sơ rất dài và đen óng, da mặt ngâm ngâm đen nhưng rất hồng hào. Đặc biệt hàm răng sơ đều đặn khít khao, rất đẹp.Dáng sơ dong dỏng cao rất thanh nhã trong bộ bà ba màu nâu gụ. Mặt sơ lúc nào cũng thật buồn, sơ ôm tôi vào lòng.

-Ui chau ! Tau sẽ nhớ mi bắt chết. Ráng học nghe chưa ? Chỉ học thôi không thơ thẩn tiểu thuyết hay cổ tích gì cả. Rồi sơ quay sang mẹ tôi :

-Chị phải để ý coi chừng hắn đó ! Hắn ưa mơ mộng lẩn thẩn lắm. Toán thì dở ẹt, chỉ mê văn chương thôi. Thời buổi ni văn chương cũng không bằng lao động.

Năm đó sơ 32 tuổi, bằng tuổi mẹ tôi. Tôi nghe mẹ hỏi sơ tính về quê để làm gì. Sơ buồn thẫn thờ .

-Không biết nữa, để yên thời gian xem sao. Có thể sẽ làm ruộng hoặc xin làm việc ở các bệnh xá. Khổ thân chúng em, muốn đi tu thôi cũng không được nữa.

Tôi không bao giờ còn cơ hội gặp lại sơ nữa.

Khu nhà dòng sau này được sửa sang lại rất đẹp, là chỗ cho các ông lớn ở xa vể họp và nghỉ lại. Mỗi khi có dịp đi qua con đường đó, lòng tôi cứ quặn thắt vì nhớ sơ. Tôi vẫn học tại ngôi trường đó cho đến lớp năm. Đó là ngôi trường đẹp nhất của tỉnh. Trường xây theo kiến trúc của Pháp, nằm trên một ngọn đồi, thông reo vi vút ngày đêm. Sát bên trường là đài phát thanh của tỉnh. Trước 1975, mỗi sáng thứ hai giờ chào cờ, các quân nhân bên đài phát thanh và các đồn bốt đóng quanh đó tập trung trong sân trường để dự lễ chào cờ rất trang nghiêm. Tôi vẫn còn tiểu học, mặc đầm ngắn xanh dương ,áo sơ mi trắng. Con trai cũng vậy, áo trắng quần xanh đậm đà. Các chị từ lớp năm trở lên mặc áo dài màu nước biển. Quân phục lính nghiêm trang làm nền tô điểm cho các tà áo dài tha thướt nữ sinh. Trong nắng sớm gió đồi là những hình ảnh đẹp bãng lãng trời mây. Là niềm tự hào của dân cư phố núi. Những hình ảnh đó vẫn theo tôi vào những trang thơ, vào ký ức mập mờ nơi phố núi.

"phố núi cây xanh ,trời thấp thật buồn.
anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em,trời còn dễ thương."

***

Tôi bắt đầu giúp chị Tư làm việc lặt vặt : pha sữa, dỗ em, lặt rau...vv. Chị Tư đã trổ mả thành một cô gái duyên dáng. Có rất nhiều người ngấp nghé muốn hỏi xin chị. Ba mẹ chị cũng mong gả chị sớm. Chị cứ nài mẹ tôi:

-Cô cho con ở lại với mấy em, chờ mấy em lớn chút. Chuyện chồng con thong thả cũng được mà.
-Đời con gái có lúc có thì, cô biết con quyến luyến các em. Cô cũng rất cần con, nhưng nếu con cứ ở đây mãi, lỡ dỡ duyên phận sau này ba má con sẽ oán trách cô.
Chị Tư bắt đầu dạy tôi nấu cơm, luộc rau, kho cá...vv.
Chị cứ hay khuyến khích tôi
-Em cũng sáng ý ghê ha ! Được đó.
Khi tôi 11 tuổi chị đi lấy chồng. Chồng chị hơn chị 20 tuổi. Đó là một người đàn ông rất đạo đức. Anh làm thợ sữa đồ điện, ti vi máy hát...Anh có một ngôi nhà nhỏ ngay phố chợ và hành nghề tại nhà. Chị sanh liền tù tì 2 bé trai rất dễ thương. Thỉnh thoảng đi học về tôi tạt vào ngôi nhà nhỏ của chị. Chị vẫn dành lại những ly nước cơm chắt, bỏ vào tí đường để bồi dưỡng cho tôi. Hồi nhỏ không hiểu sao tôi rất ghét uống sữa. Tôi vẫn đọc truyện cho chị và hai em bé. Chị kể :

-Tối nào chị cũng bắt chồng chị đọc truyện nghe đỡ ghiền. Nhưng anh hút thuốc nhiều, giọng khàn vịt đực nghe không đã bằng giọng em.

Khi các em lớn một chút chị gởi chúng sang bà ngoại, ra chợ buôn bán rau củ. Chị không còn thì giờ nghe tôi đọc truyện nữa.

Tôi bắt đầu một thế giới riêng của tôi.
Thế giới của những suy tư, yên lặng và mộng mơ.
Tôi không thích chơi với các bạn cùng trang lứa. Lúc nào tụi nó cũng chế nhạo tôi, bảo tôi là đồ thỏ con, đồ mít ướt, đồ không có cha. Mà tôi mít ướt thật đó ! Chuyện gì cũng làm tôi khóc được. Chỉ cần thầy giáo lớn giọng chút là tôi khóc. Một người bạn trong lớp vô ý vẩy mực vào áo tôi, con mèo kẹt chân trong cánh cửa, thấy chị Tư cắt cổ con gà...tôi có thể khóc cho mọi thứ, chuyện mình và chuyện người. Mắt tôi lúc nào cũng như có sẵn 2 giọt lệ. Các em tôi đã lớn, lúc nào cũng ồn ào nghịch ngợm làm tôi nhức cái đầu. Nhà nước muốn vây tỏa khu cư xá chỉ dành cho giới có thẩm quyền ở, ép mẹ con tôi phải ra khỏi khu đó. Họ đổi cho mẹ tôi một ngôi nhà khác xấu xí hơn ở ngoài khu cư xá, khu vắng vẻ không an ninh. Chị em tôi lại rất sợ ma. Mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ mẹ phải dạy bổ túc văn hóa cho các chú bác trong khu phố. Ban ngày họ chính là bạn hàng của mẹ, ban đêm gọi mẹ là cô giáo. (Thỉnh thoảng mẹ nhờ tôi giúp chấm bài. Trời ! Đây là trò chơi mà tôi hăng say nhứt.)

Mỗi tối 4 chị em cứ bắt ghế ngồi trước hiên ngắm ông đi qua bà đi lại hoặc là ngắm... mưa !

Sát vách nhà tôi là nhà của chú Cảnh, chú có 5 đứa con gái nhỏ hơn tôi, tụi nó chơi với các em tôi. Anh Sơn là cháu của chú đi bộ đội về. Anh chán công việc ở dưới quê lên ở nhà chú Cảnh. Anh 25 tuổi rất giỏi lái xe và sửa xe.Trời chưa sáng, anh theo chú Cảnh vào các nương rẫy xa xôi để thu mua hoa màu về bỏ mối cho chợ. Hai nhà sát vách nhau chỉ ngăn bằng hàng rào gỗ. Mẹ tôi thường nhờ anh coi chừng chị em tôi. Anh rất hay ngắm tôi, chỉ ngắm vậy thôi, ít khi trò chuyện. Một bữa anh ôm đàn hát :

Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua
chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng. Giọt mồ hôi...

tôi phát cười vì anh vừa trật nhịp, lên xuống giọng lại không đúng.

- Sao em cười ?
- Anh hát trật rồi !
- Vậy sao ? Em có biết hát, hát thử anh nghe coi !

Bản nhạc này ở trường có dạy mà, tôi biết hát chứ !

Giọt mồ hôi...muối lưng áo em bạc trắng
con kênh ta đào chưa phải là con kênh xanh.
Giọt mồ hôi tròn lăn trên má long lanh !

- Ồ ! Hay quá, giọng em trong veo hà. Anh reo lên.

Từ đó anh là bạn tôi, chúng tôi thường hát với nhau. Anh hát không hay, đàn hay hơn. Tôi không biết đàn, anh có sai tôi cũng không biết đâu mà bắt bẻ. Anh kể tôi nghe về những bước chân của anh trên khắp nẻo đường đất nước mà anh đã đi qua.

Tôi lại kể cho anh về thế giới của tôi. Tôi có 5 con búp bê, đặt tên là Xuân, Hạ, Thu, Đông và Mơ. Anh rất ngạc nhiên sao tụi nó hổng giống...ai !
Bà nội tôi có sạp bán đồ chơi ở chợ, nhưng tánh bà xài tiền rất kỹ, chỉ cho tôi những thứ sứt càng gãy gọng, không bán được. Con thì bị lũng một mắt. Con thì bị gãy chân, con bị mất tóc, rách quần áo...Trong khả năng nhỏ bé của mình tôi biến chúng thành những con búp bê rất dị hợm. Tôi cắt quần áo cũ may cho chúng những bộ quần áo be bé. Lấy vải bọc bông gòn làm lại cái chân què. Lấy len nối lại tóc hư, lấy viết vẽ lại con mắt bị lũng lỗ...Trong 5 con búp bê đó, con Mơ xấu nhất. Nó không biết nhắm mắt mở mắt, tóc cũng bằng nhựa giống như thân mình. Anh Sơn thích nó nhất, anh bảo nó giống tôi.

- Em rất kỳ lạ đó !
- Kỳ lạ, là sao?
- Anh chưa từng thấy đứa con gái 12 tuổi nào lại nghiêm trang như em, em quá sạch sẻ lại ăn nói chững chạc như một bà cụ non.
- Em không phải bà cụ non. Tôi giẫm chân bình bịch. Em là...em thôi !
Tôi cố hết sức để ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra. Tôi cho anh biết vì sao tôi không thích chơi với bạn. Từ đó anh không bao giờ gọi tôi là bà cụ non nữa. Trung thu năm đó anh cặm cụi làm cho tôi chiếc lồng đèn hình con thỏ. Hì hục cả ngày mới xong nhưng tôi lại phụng phịu.

- Em không thèm con thỏ, em chỉ muốn con bươm bướm.
- Anh chỉ làm con thỏ ! Anh muốn các bạn của em biết rằng em không phải là thỏ con, mà là con thỏ giỡn trăng.

Vào những buổi chiều không có mưa, anh em tôi lên đồi thả diều. Anh rất khéo tay, năm đó tôi đã có những con diều đẹp nhất .Anh làm con diều cánh bướm, con rồng con cá, cũng có khi chỉ đơn giản như những con diều khác. Nhưng anh phết thêm màu sắc khiến chúng cứ lấp lánh giữa bầu trời cao. Những con diều dễ rách, anh phải làm lại luôn, càng làm càng phong phú từ màu sắc đến hình thức. Tôi vẫn bắt anh hứa với tôi, là không được làm cho bất cứ ai khác, chỉ một mình tôi mà thôi.

Hồi đó tôi bị amidan hành rất nặng lại thêm chứng thiếu máu nên thường nghỉ học luôn. Anh đón đường các bạn học của tôi để mượn lại tập vở. Anh chép lại bài cho tôi, giúp tôi làm toán. Mẹ tôi mừng lắm, dặn tôi phải ngoan ngoãn nghe lời anh. Trong nhà hễ có việc gì khó mẹ lại ới anh Sơn. Có một lần đang lúc trời mưa to gió lớn, mẹ kêu anh lên mái nhà để trét dột. Tôi rất sợ, sợ anh trượt chân té, sợ anh bị sét đánh.

- Mẹ phiền quá ! Mẹ không thể đợi trời tạnh mưa sao ? Rủi có bề gì...?
- Cái con khờ này, tạnh mưa ai biết chỗ nào dột. Mẹ cằn nhằn. Anh vội trấn an tôi

- Không sao đâu cưng ! Anh cẩn thận mà.

Anh là người duy nhất gọi tôi bằng cưng. Ở phố núi không ai dùng từ cưng để gọi các em gái nhỏ. Đó là một từ lai căn của người Sài Gòn. Mỗi khi nghe tiếng cưng của anh tôi cảm nhận được sự trìu mến đặc biệt.

Anh kể, anh có một người vợ sắp cưới ở dưới quê. Ba mẹ anh rất ưng cô gái đó, riêng anh thì không ! Cô gái đó rất hiền thục lại giỏi việc đồng áng. Cô ta rất ít nói, mỗi khi gặp nhau họ chẳng nói gì. Dường như chẳng có gì để nói. Anh đi bộ đội 4 năm cô ta vẫn chờ. Ở quê ai cũng coi cô là vợ anh. Họ giục anh cưới nhưng anh cứ chần chờ. Anh bảo anh chỉ mến vì biết cô ta từ nhỏ chứ không yêu. Tôi hỏi anh

- Yêu là sao?
- Là sự rung động, bối rối, xao xuyến, như khi em thấy một con búp bê nào đó, và cảm thấy rất thích, mong ước có nó,vậy đó !
- Anh không mong chị đó hả?
- Không có cảm giác gì đặc biệt hết trơn. Anh buồn bã trả lời. Tôi cảm thấy tò mò về chuyện riêng của anh
- Chị ấy có đẹp không?
- Cũng tàm tạm, nhưng cái quan trọng là tụi anh không hạp nhau. Khi anh ở trong bộ đội, cô ta cũng viết thư luôn. Thư nào cũng giống nhau, chỉ nói về mùa gặt, con bò, con heo, hoặc là trời mưa, trời nắng. Chán chết đi.

Anh rất muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của gia đình. Ba má anh chỉ có hai người con trai. Anh trai anh đã lập gia đình ra riêng, cô gái của anh như một nàng dâu thảo tới lui chăm sóc ba má anh. Anh còn nói nhiều thứ rất ngộ cho tôi nghe. Anh nói anh là người muốn chạy trốn số phận. Anh cũng chưa từng có người yêu trước đó.
- Vậy sao anh không thử yêu cô ta?
- Tình yêu không thể thử được, có là biết. Không thì thôi, cảm giác mà.
Lúc đó tôi thấy anh thật tội nghiệp, sao phải lấy người mà anh không thương. Tôi chẳng biết cái gì là cảm giác, cứ mường tượng ra mỗi khi mẹ ép ăn một cái gì đó mà tôi không thích. Như uống sữa chẳng hạn, chán ngắt !

Anh em tôi rất gắn bó với nhau. Hễ mỗi lần trong khu phố có chiếu phim anh đều dẫn tôi theo. Anh rất cẩn thận, lúc nào cũng nhắc tôi phải mang áo mưa đề phòng. Trời lạnh anh bắt tôi đi vớ, có khi trời mưa sợ tôi phải lội bùn, anh cõng tôi về nhà. Tôi thích lắm nhưng bị mẹ mắng

- Đừng chìu em như thế ! Con gái con đứa.

Tôi mới có 12 tuổi, đâu phải con gái, con bé thì đúng hơn ! Hồi đó bệnh hoạn liên miên ,tôi rất xanh xao, ốm nhách, nhỏ con nhất trong lớp. Một lần anh bắt gặp những viên thuốc tôi giấu dưới gối, nên hỏi tôi tại sao không uống thuốc. Tôi phải kể cho anh nghe về giấc mơ kỳ lạ của tôi. Dạo đó tôi có những giấc mơ lập đi lập lại, trong mơ tôi thấy tôi sãi cánh...bay...như chim vậy. Từ trên cao nhìn xuống thấy mình nằm chết, mẹ và các em khóc lóc xung quanh. Tôi rất sợ và cứ nghĩ tại những viên thuốc gây ảo giác. Anh suy nghĩ mông lung rồi bảo
- Em bị suy nhược thần kinh, những viên thuốc này là trụ sinh, thuốc bổ. Em không uống thuốc hèn chi cứ bệnh rề rề, giống hệt như...má của anh vậy. Phải chi anh có tiền vào Sài Gòn học để làm bác sĩ chữa bệnh cho em và má anh há ! Để thong thả anh dành dụm tiền nghe !

Nhưng anh không bao giờ có cơ hội để đi học. Tết năm đó anh phải về quê cưới vợ ,ba má anh bắt vậy.

Mỗi ngày anh để dành một ít trái cây lặt vặt cho tôi, dưa hấu, dưa gang, chuối, khoai...Anh không biết nướng khoai như sơ Đức. Nhưng anh làm mía hấp ăn rất ngon. Anh róc mía ra từng khúc nhỏ, bỏ vào chỏ hấp như hấp khoai mì vậy. Trời mưa mà ngồi nhâm mía hấp của anh thì ác sấy. Lũ em tôi rất mê anh.

Một đêm trăng sáng, đàn hát trước sân nhà. Anh ngắm tôi hồi lâu rồi nói
- Em lạ quá hà !
- Nữa, sao anh cứ nói em lạ !
- Thiệt mà em có đôi mắt biết nói.

Dị hợm chưa ? Tôi thấy quá mắc cười.
- Đôi mắt là để nhìn anh ơi ! Không phải để nói.
- Đôi mắt của em như hai vì sao lạc vậy, nó nói với anh rất nhiều.
- Vậy nó nói cái gì, hả anh? Tôi chọc lại anh.
- Nó nói rằng em sẽ là một cô gái rất ngoan, một người vợ tốt.

Hahaha... ! Cái này thì dóc tổ rồi ! Ai biết được ngày sau. Tôi như một con bịnh vậy, sống tới đâu hay tới đó. Không làm phiền người khác tôi đã thấy vui rồi. Hồi đó gia đình tôi cứ sợ là tôi không sống được tới 16 tuổi.

Tôi cũng ngắm anh, trong ánh trăng mờ ảo tôi thấy anh đẹp như tài tử xi nê vậy. Anh cao ráo, da trắng, tóc đen bồng bềnh dợn sóng. Cặp chân mày tạo nên đường nét rất rõ ràng, làm sáng đôi mắt mơ huyền ảo của anh. Tôi thấy được những tia sáng lấp lánh từ mắt anh, kỳ thực còn đẹp hơn cả ánh trăng. Ngắm nhau chán chê anh em tôi lại phá lên cười, cười rũ rượi cho tới khi mẹ trở về nhà.

Hôm cưới anh, mẹ tôi diện rất đẹp theo chú thím Cảnh về quê. Mẹ mang theo một phong bì lớn, tôi nghe mẹ chép miệng " Tội nghiệp cái thằng !"
Mẹ hỏi tôi có muốn đi theo không ? Thật tình là tôi rất muốn đi, rất muốn biết mặt cô gái của anh. Nhưng sao tôi cứ có cái cảm giác là anh sẽ không vui khi thấy tôi. Tôi đã thêu cho anh một cặp gối màu hồng rất đẹp, có hình đôi chim bồ câu. Tôi thầm cầu mong anh hạnh phúc bên chị, sinh ra những đứa con xinh đẹp như con chị Tư. Tôi muốn anh thỉnh thoảng nhớ đến tôi, như tôi vẫn nhớ anh, nhớ cái cảm giác phiêu bồng mỗi khi lon ton chạy theo những cánh diều đã cho tôi bao nhiêu mộng ước . 

***

Tôi giật mình thoảng thốt bàng hoàng...mỗi khi vô tình bắt gặp con diều của ai đó giữa trời cao. Sao không phải là cánh diều của riêng tôi ? Sao anh Sơn không đợi tôi lớn chút ?

Tôi chẳng bao giờ còn cơ hội để thả diều !
Mà đâu còn ai làm diều cho tôi nữa, cho dầu có ai đó cũng không thể khéo tay như anh Sơn. Những con diều ngũ sắc cứ sáng rực rở giữa bầu trời cao khi lộng gió.

Những con diều chuyên chở mộng mơ đầy khao khát của tôi.
Vòng tay ấm áp của chị Tư, những câu kinh thánh của sơ Đức, để cho tôi vào đời rất đường hoàng như hôm nay.


Những con diều của anh Sơn còn mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.
Chúng cứ bay cao, bay xa...mãi mãi và mãi mãi.

" Còn một  chút gì ? Còn một chút gì...để nhớ ...để quên !
Phố núi cao...phố núi đầy sương... "


- Hết -
Mưa phố núi tháng 8-2011  


 

thơ chủ đề - Lục bát tự tình


 
 

Người Dưng Ơi À !

 

À ơi... ngại khổ, chớ đừng !
đam mê cánh bướm_vô chừng đuổi rong.
Dòng đời lúc đục khi trong
Người dưng khác họ_sao lòng vấn vương ?

 Mai kia áo nhuốm bụi đường
sợ ai tình phụ_ mình thương câu thề.
Người dưng này hỡi đam mê !
Chờn vờn giấc ngủ _lê thê đêm dài.
 
Dặm trường riêng lẻ bóng ai ?
Tơ lòng đã rũ _mệt nhoài bờ xa.
Biết người _biết mấy trăng hoa ?
Ngẫm say men rượu, la đà nhớ quên.
 
Gió ngân trăng nước bồng bềnh
Mượn câu hát cũ vỗ êm phận mình
Trăng bày_mộng vẽ_chông chênh
Dập dờn ảo giác_tình mênh mông buồn.
 
Mưa phố núi 26042013 
 
 
 




Cho Anh


Hỏi lòng còn nhớ hay quên ?
Mong cơn mưa đổ có thênh thang buồn .
Đếm từng hạt nhỏ sợi tuôn
Dặm anh nỗi nhớ - khoét hờn trong em .
Buồn vì đâu ? Nhớ dầy thêm,
Cho Anh đong đếm , khắc tên dại khờ !
Lệ trời giăng phủ mịt mờ ...
Ngẩn ngơ là bấy ...tình hờ ...mong manh
Vì ai ? Chối quẩn chối quanh
Liếc đuôi con mắt, tròng trành tim ai .


Mưa phố núi






:24h: RU CON :24h:



Mẹ ru con ngủ đêm nay
À ơi, nỗi nhớ dâng đầy lại vơi.
Nhớ xưa con, thuở nằm nôi
Bàn tay be bé nụ môi ngọt mềm

Con cười nũng nịu giấc êm
Mong con mộng đẹp, buồn thêm phận đào.
Trăng tàn bóng ngả về đâu ?
Một sương hai nắng lo âu chất chồng

Đêm nay lẻ bóng bên song
Mượn lời ru cũ mẹ hong phận mình
Canh trường nỗi nhớ lặng thinh
À ơi điệu cũ - tự tình mẹ ru .

Mưa phố núi 2011
 

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

ca khúc - Hãy hát cho tự do


 
 
Hãy hát cho tự do
 thơ Mưa phố núi - nhạc LangThang
hợp ca : TPB - LT - DRD - TD
***



Karaoke

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

thơ - Hương ngọc lan Cali



Hương ngọc lan Cali



Suối hương theo gió
ngọc lan nồng nàn.
Mùa đông vừa khuất
tình chao muộn màng.
Ơi hỡi người tình ! Có nhớ ngọc lan ?
*
Vướng trên tóc rối
nụ hôn vội vàng.
Mộng xưa đã khép
hồn say ngút ngàn.
Mượn giấc xuân tàn - thao thức đêm hoang.
*
Vườn xưa yêu dấu, cánh lan nhẹ rơi.
Còn nguyên thệ ước, một mảnh trăng côi.
Anh ơi, hoa vẫn buồn tan tác !
Cali - đêm vẫn sầu miên man...
Thoảng hương tình dìu dịu
Ray rức buồn - bạt gió lang thang.
*
Gởi về nơi xa - hương tình mượt mà
Từng cánh rũ buồn - tình em thiết tha.
Tơ phím dẫu chùng - Lưu luyến hoài mơ.
Ai say cung đàn ? Ngất ngây hồn hoa.

Mưa phố núi 18042013

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

thơ - ĐỪNG NÓI LỜI CHIA TAY


 
 
ĐỪNG NÓI LỜI CHIA TAY
 
Đừng ! Đừng, anh nhé !
đừng nói lời chia tay.
Để lòng xót xa đến vậy
tình yêu thật khó giải bầy.
 
 Dặn lòng không nhớ.
Ứ ! Không thèm nhớ đâu !
Chỉ vài câu - tan vỡ mau.
Bọt bèo chi lắm, duyên đầu ?
 
 Yêu ai - sao lòng bối rối ?
Giận hờn vờ vĩnh thế thôi.
Trăm năm không là duyên cuối
Còn nguyên - mãi xanh - mộng đầu.
 
 Đừng chia tay mùa thu.
U  uẩn buồn... ray rức.
Sợ mùa đông nuối tiếc
Khóc thương tình bơ vơ.
 
 Mùa xuân tràn hơi thở
Nỡ lòng nào mình xa ?
Ve gọi hè nức nở...
Đừng ! Anh ơi - dối mùa.
 
Mưa phố núi 15042013
 
 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

thơ chủ đề - CHẤP CÁNH



THƠ RƠI


Từng cánh thơ rơi bên trời
liếng thoắn - họa mi chào mời
Đu đưa ru hời lòng gió
chim mừng nhặt nhạnh thơ tôi.

Chim ơi ! Hót câu yêu thương.
Lời thơ trong trẻo du dương
Chim hãy say sưa mật ngọt !
Tung cánh tự do dặm trường.

Bay cao. Bay xa, chim nhé !
Mang thơ vãi khắp muôn phương
Thơ tôi không ngời tia nắng
Làm mưa vỗ giấc mộng thường.

Từng áng thơ ! Rơi. Rơi...
Nỗi nhớ chắt chiu. Vơi !
Mộng ước đưa hương xa vời.
Hồn tôi gởi cánh chim trời.


Mưa phố núi 15042013




 
Pha lê buồn 
 

Ngày hôm qua bắt gặp nỗi buồn rơi
Con chim sẻ không thèm rồi, hạt thóc.
Chiếc mỏ nhỏ đi tìm dăm lọn tóc
Nhặt nhạnh buồn xây chiếc tổ bé con.
 
Bình minh lên chim cất tiếng véo von
Từng cụm non lá se mình lay khẽ 
Tia nắng đổ xanh ngần xuyên phiến lá
Nỗi buồn kia chẳng còn chỗ trú chân.
 
Những sợi buồn ai đánh rơi hôm trước ?
Nên thành trì ấp ủ cánh chim non
Em cứ khóc, dâng buồn tràn mi ướt
Lệ dỗi hờn mong rửa sạch đa đoan.
 
Con chim nhỏ uống pha lê say khướt
Ngẩn ngơ lòng - hót thánh thót chuông ngân
Giá đích thực của tình là nước mắt
Em ngại gì chút vỡ vụn cỏn con.
 
Mưa phố núi 18032013
  

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

thơ - Lãng Quên




 
 
Lãng Quên

 
Anh đâu phải con thuyền
Giong cánh buồm đưa tiễn
Mà sao ngàn khơi vẫn
Đẩy lòng mình cách xa . 
 
Chiều ơi ! Chiều đi qua
Đọng bờ vai cụm nắng
Đêm khơi nguồn trong vắng
Trãi hồn mình về đâu ? 
 
Có phải lời thề xưa
Đã nhạt trôi ước hẹn ?
Nên mỗi hoàng hôn đến
Tím biếc màu đợi mong .
 
Biền biệt chiều đi rong
Thả lòng nhấp nhô sóng
Chiều loang - vờn cổ mộ
Em thà mình - lãng quên !
 
Mưa phố núi 18032013  

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

thơ chủ đề - MIỀN KÝ ỨC




MIỀN KÝ ỨC

Những con đường ngập lá me xưa !
Anh chiều chiều dắt tay em đi dạo
Qua những quán cóc bên đường huyên náo
Ta ngại ngùng chẳng dám dừng chân.
*
Trời mưa anh lo em ướt áo !
Nắng đổ sợ bỏng khuôn mặt xinh
Lộng gió - anh băn khoăn tóc rối
Thì anh ơi ! Sao chẳng ngại em buồn.

Nỗi đau xưa ...bây giờ thành nỗi nhớ
Em một mình lạc trong hư vô...!
*
Anh có còn hút thuốc như ngày xưa...
Để em đếm từng ngụm tròn khói tỏa ?
Và lanh chanh bậc diêm mồi lửa.
Những đốm lửa, tình cháy đỏ trên môi anh .
*
Sinh nhật anh mỗi năm em vẫn nhớ !
Thắp cho anh một ngọn nến hồng
Cầu mong anh trọn đời hạnh phúc
Như giấc mơ ngày nào, ta đã vẽ cho nhau.

Không còn anh, em tìm về ký ức
Dẫu tình mình chỉ một nữa dở dang.
Không cùng anh, em lạc mất thiên đàng
Ký ức xưa, vùi sâu vào kỷ niêm.
*
Em !
Thà một đời dại khờ,
đau khổ - vẫn yêu anh !

Mưa phố núi 8/3/2011





Khoắc khoải SÀI GÒN

Sao không còn là của riêng ta ?
Chiều từng chiều dạo qua từng con phố .
Nắng còn như xưa không ?
để anh ngại rát sạm má em .

Tháng tư !
cũng có thể bất chợt cơn mưa đổ .
Chẳng vội vả núp mưa đâu !
Hai đứa vẫn dầm mưa rảo chân trên phố .
Phố càng nhòa ta càng đắm say nhau ...

Tháng tư !
Nỗi khoắc khoải trong em gởi theo làn gió .
Anh Bình Dương , em Cali
vẫn chung một nỗi nhớ muộn màng .

Tình tàn , ta còn nguyên ký ức ,
xa quê hương càng đậm nỗi nhớ anh .

Nhớ cái giọng Bắc Kỳ nhè nhẹ ...
và tên anh em khắc tận đáy tim .

Xa Sài Gòn em đánh rơi kỷ niệm ,
Sài Gòn không anh còn đâu nữa Sài Gòn ?

Vẫn Sài Gòn xưa, bây giờ đổi thay nhiều quá
Về lại Sài Gòn mà vẫn không nhận ra .
Những con đường tình ta rảo bước ,
góc phố nào lỡ dở hẹn hò .

Chiều hai tám ngồi nghe anh hát ,
chưa ba mươi mà em sợ đêm đen !

Sài Gòn ơi ! Xin cứ là mãi mãi .
Đừng đổi tên - để ký ức nguyên hình .

---mưa phố núi ---
 

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

thơ - GÕ CỬA

 
GÕ CỬA

 
Cụm nắng rũ, nép bên hiên sắp rụng
Mượn thềm nhà nương náu - nuối chiều.
Tiếng đàn trầm, lẻ loi buông ! Vỡ vụn.
Chiều chưa tàn, nắng trườn mình - loãng tan.

 
Còn sót lại chút mong manh ký ức
Ai thẩn thờ bên khung cửa. Đợi ai ?
Chút hiu quạnh tàn đông vừa đi trốn
Cánh thiên di còn lơ đễnh phương nào ?

 
Xuân gõ cửa gieo vào lòng mầm nhớ
Nỗi đau xưa râm rỉ trách than...
Ơi giọt nắng ! Hay tìm về câu chữ
Giãi yêu thương trên cung phím mơ màng.

 
Em gõ cửa ! Nếu lòng chàng đợi mở.
Khúc yêu thương xin tháp lại mộng mơ
Chiều sắp tắt, tình ơi ! Đừng khép cửa.
Ta còn gì ngoài nhung nhớ bâng quơ ?

 
Mưa phố núi 12042013

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

thơ - Khát vọng

 


Khát vọng 
 Tự do , nếu có thể mua được ?
Em sẽ mua bằng cả linh hồn .
Bình yên , nếu có thể đem bán ?
Em sẽ rao giá bằng con tim .

Bán con tim vẫn chảy giòng máu nóng
Mua linh hồn trọn vẹn khát khao .
Để hạnh phúc sẻ san đều cả ,
để mọi nhà rộn rã tim vui .
 
Anh đã cầm súng giữ gìn bờ cõi ,
Máu cha ông lớp lớp phơi thây.
Sao hào lũy vẫn ngổn ngang vất vưởng ?
Những vong hồn khát lạnh bủa vây .

Rồi có lúc tự do ta sẽ nắm
Trãi thênh thang trên đất mẹ lụa là .
Tà áo mới sực thơm hương hạnh phúc .
Tự do trong lưu đày - là ý nghĩa hôm nay .

Mất niềm tin ta mất lòng kiêu hãnh
Mất tự do ta cam phận đọa đày .
Không khát vọng ta như loài cây cỏ
Tự do trong lưu đày - ta vẫn hát mê say .

Khát vọng ! Tia bình minh rực rỡ .
Khát vọng ! Là ánh sáng ngày mai .

Muaphonui 042012


 


 



Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

thơ - MỘNG THI NHÂN





:bong: Mộng thi nhân :bong:

kiếp sau em vẫn là thi sĩ
thả tơ lòng nương nhẹ áng phù vân
giữa bộn bề nhân gian chìm nổi
câu yêu thương vẫn trao gởi ân cần
*
biết kiếp này ta đành lòng chia cắt
tình muôn trùng giấu lại đáy tim
phong ba trỗi - sóng chìm sâu đáy mắt
ghém buồn vui - gieo hạt giống chung tình
*
kiếp sau - anh có là thi sĩ ?
viết tặng em chồng chất chuỗi ngọc ngà
dành dụm mưa - xoáy mòn thân gỗ đá
nghe lá cỏ chuyển mình - phác thảo mộng si.


Mưa phố núi 04062013